18 thg 9, 2009

CẦN CÓ ĐỊNH CHẾ CHO PHÉP XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG ÁN LỆ NHƯ LÀ NGUỒN BỔ SUNG LUẬT PHÁP TRONG XÉT XỬ

LS. NGUYỄN ĐĂNG NGHIÊM

Án lệ (tiếng pháp là Jurisprudence) được định nghĩa là: “Đường lối giải thích và áp dụng luật pháp của các tòa án về một điểm pháp lý, đường lối này đã được coi như một tiền lệ, khiến các thẩm phán sau đó có thể noi theo trong các trường hợp tương tự”.

Theo luật gia Trần Thúc Linh, cũng là cựu thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn cũ trước ngày giải phóng, trong hệ thống tòa xét xử ở các nước tư bản cũng như của chế độ Sài Gòn trước đây thì: “Sở dĩ có được án lệ là nhờ ở Tòa Thượng thẩm (Cour d’appel) và Tòa Phá án (Cour de cassation) là những cơ quan kiểm soát lại các bản án tòa dưới, tòa phá án bảo đảm một sự thống nhất trong việc giải thích luật pháp vì lâu dần các tòa án sẽ hướng theo các án lệ của Tòa Phá án.”

Trong thế kỷ 20 và hiện nay, trong công tác xét xử và kiểm soát xét xử, các tòa án thuộc hệ thống tư pháp các nước châu Âu đã vận dụng xây dựng án lệ để phục vụ cho việc xét xử được linh hoạt, vừa đảm bảo việc áp dụng luật pháp gắn với thực tiễn cuộc sống mà chỉ có đội ngũ thẩm phán xét xử mới nắm bắt kịp thời các sơ hở, thiếu sót của các văn bản luật pháp, trong khi các nhà lập pháp không có điều kiện để xâm  nhập tìm hiểu thực tiễn, hoặc muốn sửa đổi bổ sung những khiếm khuyết của các văn bản luật cũng đòi hỏi một quá trình tu chỉnh, sửa đổi khá lâu lắc, trong khi thân phận những đối tượng bị điều chỉnh bởi luật pháp lại mang tính tức thời trong các vụ án đang đăng đàn xét xử.

Việc xây dựng án lệ theo quan điểm xét xử của các tòa án có thẩm quyền xem xét bản án của tòa dưới đã góp phần bổ sung tốt sự thiếu sót của các qui định luật pháp trong thực tiễn. Ở Anh Quốc, việc vận dụng án lệ kể cả tục lệ pháp được thực hiện khá phổ biến. Chính vì vậy, mà các nhà luật học thường cho rằng hệ thống luật pháp ở Anh Quốc là theo luật mềm, không chỉ căn cứ cứng nhắc vào các văn bản pháp luật do Quốc hội ban hành, mà có sự vận dụng linh hoạt đúng luật vừa phù hợp với thực tiễn, bằng cả nguồn tập quán, tục lệ phù hợp lẽ phải và công bằng xã hội. Hệ thống luật pháp của chế độ Sài Gòn cũ trước năm 1975 vốn chịu ảnh hưởng của luật pháp châu Âu, nhất là luật pháp của Pháp quốc, đặc biệt là về dân luật, cũng rất quan tâm việc xây dựng án lệ.

Ngay bộ Dân luật do chế độ Sài Gòn ban hành ngày 20/12/1972, đã có  qui định liên quan đến yêu cầu áp dụng án lệ trong xét xử, từ Điều 8 và Điều 9 của bộ luật này. Điều 8 ghi: “Thẩm phán nào không chịu xét xử vì lẽ luật không định hay luật tối nghĩa, thiếu sót, sẽ có thể bị truy tố về tội bất khẳng thụ lý”. Điều 9 còn bổ sung thêm: “Gặp trường hợp không có điều luật nào có thể dẫn dụng, thẩm phán sẽ quyết định theo tục lệ; nếu không có tục lệ, sẽ theo công bằng và lẽ phải mà xét xử và phải chú trọng đến ý định của các đương sự”.

Trong thực tế xét xử hiện nay ở nước ta, đã có một số tòa án đã từ chối xét xử một số vụ kiện, đặc biệt đối với các vụ kiện dân sự, hành chính, với lý do viện dẫn là thiếu qui định luật pháp điều chỉnh vụ việc liên quan. Việc từ chối thụ lý vụ việc này có thể dẫn đến hậu quả thiệt hại cho một bên tranh chấp, lại làm lợi cho một bên khác trong vụ kiện. Nên chăng vì thiếu quy định luật, mà từ chối thụ lý vụ việc khiếu kiện do người dân đưa đến tòa, làm người dân lúng túng không tìm được chỗ dựa pháp luật để giải quyết các vấn đề bức xúc của mình, mặc dù về mặt tín lực nội tâm của đương sự xác tín là quyền lợi của mình bị xâm phạm (có thể là quyền lợi vật chất hay quyền lợi tinh thần), tòa án cứ mạnh dạn vận dụng sáng tạo luật pháp để thụ lý, xét xử, miễn là không trái với lẽ phải, sự khách quan công bằng với tâm nghiêm chính của thẩm phán.

Chính vì vậy, tại các nước, đều có qui định mở rộng vận dụng sáng tạo của các tòa án, của các thẩm phán (nhất là các thẩm phán lão làng) trong việc áp dụng luật pháp, để đưa ra quan điểm xét xử theo luật kết hợp với thực tiễn cuộc sống, để đưa ra các bản án mẫu, trở thành án lệ có thể theo đó áp dụng cho các vụ án tương tự về sau. Đây cũng là cách thích hợp tạo điều kiện cho thẩm phán, những người có kinh nghiệm thực tiễn xét xử, tham gia làm luật, góp phần bổ sung luật pháp ngày một hoàn chỉnh hơn.

Hiện nay, hầu hết các nước có nền luật pháp tiên tiến, đều có vận dụng án lệ trong xét xử ở hệ thống tòa án, cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xét xử, với nguyên tắc “Tòa án không được quyền từ chối thụ lý bất cứ yêu cầu khởi kiện nào của công dân” và đồng thời cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự hội nhập của hai hệ thống luật pháp Anglo Saxon và Continental, kể cả hệ thống pháp luật XHCN về sau.

Chẳng hạn như ở CHLB Đức, phương pháp xây dựng án lệ đã tạo điều kiện cho Tòa án Đức vai trò sáng tạo khá lớn, được giải thích luật “căn cứ vào câu chữ của qui phạm, ngữ cảnh của qui phạm, mục đích của qui phạm, kể cả căn cứ vào quá trình soạn thảo qui phạm đó”. Tòa án ở Đức còn có quyền lựa chọn cách giải thích phù hợp nhất với hiến pháp. Cách làm của Tòa án Đức có ảnh hưởng áp dụng đến cả các qui phạm pháp luật của Liên minh châu Âu. Và ở Đức, hiệu lực án lệ được hình thành từ việc giải thích một qui phạm pháp luật cũng có giá trị, hiệu lực gần như chính qui phạm pháp luật. Rõ ràng án lệ có giá trị không những về thực tiễn, mà còn có giá trị không thua gì một qui phạm pháp luật. Thẩm quyền xây dựng án lệ ở Đức được giao cho các tòa án bảo hiến liên bang và các Tòa án cấp liên bang khác, có giá trị bắt buộc các tòa án cấp dưới có nghĩa vụ phải thực hiện các án lệ này, nếu không các bản án của các tòa cấp dưới có thể bị giám đốc thẩm.

Ở Ý, thẩm quyền xây dựng án lệ được giao cho tòa án bảo hiến để đảm bảo cơ chế tập trung quyền lực ở Trung ương. Ở Tây Ban Nha, chịu ảnh hưởng của luật La Mã, vẫn coi án lệ như một nguồn luật, có giá trị bổ sung trật tự pháp lý thông qua luận thuyết được tòa án tối cao áp dụng trong quá trình giải thích và áp dụng luật, tập quán, kể cả các nguyên tắc chung của luật pháp. Ở Anh Quốc, vai trò sáng tạo của án lệ rất quan trọng, được thể hiện theo quy tắc của tiền lệ pháp đã xuất hiện từ đầu thế kỷ  thứ XIX được khái niệm là “Qui tắc đã được lập ra trong một phán quyết ban hành trước đó chỉ có hiệu lực ràng buộc đối với các thẩm phán khi xét xử các vụ kiện tương tự” v.v...

Riêng ở Việt Nam, thông qua thực tiễn hoạt động xét xử của hệ thống tòa án, có thể nói các văn bản phát biểu quan điểm xét xử của tòa án nhân dân tối cao khi trả lời các đề nghị của tòa án cấp dưới về việc hướng dẫn vận dụng qui phạm pháp luật trong xét xử ở một số vụ án cụ thể có thể coi như là án lệ, để các tòa án cấp dưới rút kinh nghiệm trong xét xử, nhưng chưa có một quy định bắt buộc rõ ràng để các tòa án cấp dưới phải tuân thủ trong việc xét xử các vụ án tương tự.

Ở Việt Nam, có ưu điểm là hàng năm Tòa án Nhân dân Tối cao đều có tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn, hướng dẫn công tác xét xử cho các cấp Tòa án trong việc vận dụng các qui phạm pháp luật trong việc xét xử, nhưng việc chờ đợi các hướng dẫn chỉ đạo này không đảm bảo tính kịp thời và nhiều khi tính ràng buộc việc tuân thủ cũng không được qui định chặt chẽ. Có lẽ chính vì nguyên nhân về yếu tố thời gian chậm trễ và tính bắt buộc tuân thủ không được thể hiện chặt chẽ, cụ thể mà nhiều vụ án ở VN bị giám đốc thẩm, thậm chí giám đốc thẩm hơi tràn lan.

Thỉnh thoảng ở nước ta, cũng đã có ban hành những thông tư liên tịch giữa các ngành tòa án tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ công an, Bộ Tư pháp (như một văn bản lập quy dưới luật) để giải thích, hướng dẫn, chỉ đạo cho các cơ quan tố tụng của ngành tư pháp (trong đó có tòa án) trong việc giải quyết vụ án có liên quan việc vận dụng cụ thể các qui phạm pháp luật, các văn bản pháp luật. Việc làm đó của các cơ quan ngành tư pháp cũng có mặt tích cực nhất định, nhưng rõ ràng chưa thể hiện được tính thực tiễn, sinh động, cụ thể, kịp thời so với việc xây dựng và áp dụng án lệ theo kinh nghiệm của các nước.

Nên chăng, đã đến lúc trên tiến trình cải cách và đổi mới hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp, xét xử của VN hiện nay, trong khi chờ đợi sự chuyển đổi cụ thể hệ thống tòa án của nước ta, cần sớm đưa vào thí điểm việc xây dựng và áp dụng án lệ, để tạo điều kiện cho tòa án và các thẩm phán tích cực tham gia sáng tạo, bổ sung luật pháp trong quá trình kinh qua thực tiễn xét xử của họ, vốn là một yêu cầu thực tiễn của tình trạng thiếu luật hoặc có nhiều khe hở, sơ sót của các văn bản pháp luật, hoặc tính lạc hậu nhanh của một số văn bản luật pháp không theo kịp thực tiễn phát triển quá nhanh, có tính bùng nổ của nền kinh tế xã hội của đất nước. Ngoài vai trò của TANDTC nên chọn những tòa án nhân dân cấp tỉnh vốn có đội ngũ thẩm phán tài giỏi, lão làng được giao thẩm quyền thí điểm đưa ra các bản án điển hình (trong quá trình xét xử thực tiễn các vụ án) được coi như án lệ, mẫu mực bắt buộc các tòa án cấp dưới phải tuân thủ vận dụng trong các vụ án tương tự mà các tòa này thụ lý.

Và cũng nên cho in ấn, xuất bản một loại “tập san pháp lý” để tập hợp những bản án điển hình vận dụng sáng tạo luật pháp, những án lệ này để làm tài liệu pháp lý thực tiễn để các tòa án, các thẩm phán nghiên cứu vận dụng, kể cả đội ngũ luật sư cũng cần qua đó học tập, nâng cao kiến thức luật pháp của mình trong dịch vụ bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc bảo vệ thân chủ của mình trước tòa vậy. Yêu cầu xây dựng án lệ cũng đi đôi với việc đổi mới việc xây dựng, đào tạo đội ngũ thẩm phán chuyên nghiệp, lâu năm, thâm niên yêu nghề và được sống với “nghề thẩm phán” suốt đời (chỉ ngoại trừ khi sức khỏe, cả về thể chất hay tinh thần không cho phép đảm nhiệm), chứ không về hưu theo tuổi giống qui định công chức như hiện nay. Đó cũng là một đòi hỏi rất cần thiết về yêu cầu vận dụng sáng tạo, thực tiễn trong công tác xét xử của thẩm phán và đảm bảo các án lệ được chất lượng. Tất cả đòi hỏi phải tiến tới một định chế cụ thể, có giá trị pháp luật, mới thực hiện được, dù ở giai đoạn thí điểm cũng vậy.
Tài tham khảo:
1. Các hệ thống Pháp luật cơ bản trên thế giới (của tác giả Michel Fromont, Giáo sư đại học Panthéon Sorbon – Paris I). Dịch giả: Trương Quang Dũng, hiệu đính: Nguyễn Văn Bình (do nhà Pháp luật Việt Pháp và NXB Tư pháp HN ấn hành 2006)
2. Danh từ pháp luật lược giải, tác giả: Trần Thúc Linh, thẩm phán Tòa Thượng thẩm Sài Gòn cũ, nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1965.
3. Bộ Dân Luật (do tối cao pháp viện của chính quyền Sài Gòn xuất bản năm 1973)
4. Tự điển pháp luật Anh-Việt, tác giả: nhóm luật sư, Thẩm phán, chuyên gia kinh tế: Nguyễn Thế Kỳ, Phạm Quốc Toản, Lương Hữu Định, Quốc Minh Vương, Mary C.Downey, Cham W.Louie (NXB Khoa học xã hội – 1994).

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM

Trích dẫn từ:

‘http://www.hcmcbar.org/index.php?option=com_contentlist&task=detail&cat=4&type=2&id=224

12 thg 9, 2009

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG: VẤN ĐỀ ĐIỀU TIẾT CỦA XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC QUAN HỆ LAO ĐỘNG

TSKH. PHẠM ĐỨC CHÍNH – Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia TPHCM

Ngày nay, cả về phương diện lý thuyết, cả về phương diện thực tế đều thừa nhận rằng, phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại chỉ có thể đạt được kết quả trong điều kiện kết hợp khả năng tự điều tiết của nó với điều tiết của Nhà nước và xã hội. Dựa trên những công ước và hướng dẫn của Tổ chức lao động thế giới (International Labour Organization-ILO) vấn đề điều tiết của xã hội trên thị trường lao động đã được vận dụng rộng rãi ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển và kết quả đạt được cũng rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này mới được tiếp cận vào những năm gần đây và kết quả đạt được cũng chỉ là rất khiêm tốn, thậm chí đối với nhiều cơ quan quản lý lao động và việc làm thì lĩnh vực này vẫn được cho là hoàn toàn mới mẻ. Vì vậy, tiếp theo bài viết “Thị trường lao động: vấn đề điều tiết và tự điều tiết ở Việt Nam”1, bài viết này chúng tôi sẽ cố gắng đi sâu hơn nữa vào vấn đề điều tiết của xã hội trong lĩnh vực quan hệ lao động- xã hội trong giai đoạn hình thành thị trường lao động ở nền kinh tế đang chuyển đổi của Việt Nam.

I. Khái niệm về điều tiết của xã hội trong thị trường lao động

Điều tiết xã hội-đó là sự tham gia cùng nhau của các bên khác nhau vào soạn thảo và thực hiện những thoả ước lao động xã hội (các chương trình, thoả thuận) trong một thời hạn nhất định. Điều kiện cơ sở để tạo lập nền kinh tế thị trường là quan hệ giữa nhà doanh nghiệp và người lao động để đạt được giữa họ với nhau bầu không khí hòa bình xã hội, còn những mâu thuẫn xuất hiện thì được giải quyết bằng những biện pháp văn minh. Điều tiết xã hội không loại trừ khả năng đòi hỏi của người lao động về tăng lương, thay đổi chế độ làm việc và điều kiện lao động, giảm thuế v.v. Tuy nhiên các cuộc bãi công mang tính chất chính trị như đòi hỏi phải thay đổi chính quyền, chính phủ hoặc tổng thống của đất nước phải từ chức đã vượt ra ngoài phạm vi điều tiết xã hội về các quan hệ lao động. Điều tiết xã hội có thể là hai bên (giữa nhà doanh nghiệp và đại diện của người lao động, tức là tổ chức công đoàn) và ba bên (giữa đại diện chính quyền, nhà doanh nghiệp và công đoàn). Phát triển quan hệ thị trường, xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần, xuất hiện và mở rộng các tầng lớp nhà doanh nghiệp và chủ sở hữu đã tạo ra khả năng điều tiết ba bên trong xí nghiệp, giữa người sử dụng lao động, tập thể lao động và đội ngũ quản lý làm thuê.